Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Đại biểu TPHCM truy vấn ngân hàng

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn giá rẻ là chủ đề mà các đại biểu đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM trong phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố chiều 12/7.

                         <<  Ngân hàng Habubank tự tin xóa nợ  >>
 

Chiều 12/7, mở đầu phiên chất vấn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM  và Sở Công thương về nội dung trọng tâm là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM, hàng loạt ý kiến của đại biểu xoay quanh doanh nghiệp khó tiếp cận vốn lãi suất cho vay thấp. "Tại sao trong thời gian qua lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn?", đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy đặt vấn đề.

Thái độ gay gắt hơn, đại biểu Võ Văn Sen đề nghị, Ngân hàng Nhà nước giải trình rõ những mặt yếu kém của cơ quan này. "Ngân hàng Nhà nước có thể làm tròn được sứ mệnh của mình trong những tháng từ nay đến cuối năm hay không và có những giải pháp như thế nào để cứu doanh nghiệp", ông Sen nói..

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thủy, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM xin nhận khuyết điểm bởi vì các ngân hàng thương mại cổ phần đã chậm trễ trong việc triển khai những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Theo ông, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các biện pháp như cơ cấu lại nợ doanh nghiệp, miễn giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ cũ, mở rộng đối tượng cho vay (đối tượng cho vay bằng ngoại tệ, sản xuất hàng xuất khẩu)... Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại ngồi lại với doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ, định lại kỳ hạn nợ nhằm giảm giá thành sản phẩm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã chậm triển khai những biện pháp này.

Đối với việc miễn giảm lãi suất cho vay cũ trước đây, ông Minh cho biết đang được các ngân hàng thực hiện theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đến 15/7 ngân hàng phải giảm khoản vay cũ xuống còn 15%. "Sau ngày này, nếu các đại biểu thấy những ngân hàng nào lãi suất cao hơn 15% thì hãy báo cho tôi, tôi sẽ xử lý", ông Minh khẳng định.

Ông Minh cũng cho biết thêm, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch triển khai giảm lãi suất các khoản vay cũ ngay trong tuần này, thậm chí có một số ngân hàng miễn giảm lãi suất 100% cho các doanh nghiệp gặp khó khăn cụ thể.

Vị phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn là do "điều kiện cho vay không thể nới lỏng được". Theo ông, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay hoặc nếu có thì tài sản thế chấp lại có tính thanh khoản thấp.

Để giải quyết vấn đề này, ông Minh đề nghị một số ngân hàng thương mại linh hoạt giải ngân bằng cách cho doanh nghiệp vay tín chấp dựa vào xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp hoặc chấp nhận thế chấp bằng dòng tiền (các nguồn thu, khoản thu từ bán hàng của doanh nghiệp) thay vì thế chấp bằng tài sản.

Trước câu hỏi của đại biểu Sen, ông Minh khẳng định, ngân hàng có rất nhiều rủi ro từ cơ chế chính sách, khủng hoảng kinh tế thế giới... Trong bản thân ngân hàng, rủi ro tập trung ở lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán...

6 giải pháp chính được ông đưa ra để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng mới làm tròn "sứ mệnh" như thanh tra, kiểm tra những hoạt động của các ngân hàng, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trong ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống mạng lưới ngân hàng thương mại, kiểm điểm cán bộ tiêu cực...

Chưa hài lòng với câu trả lời, đại biểu Huỳnh Công Hùng chất vấn: "Những nguyên nhân doanh nghiệp khó tiếp cận vốn đã rõ, đề nghị Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết rõ hơn về những giải pháp cứu doanh nghiệp". Nhiều đại biểu khác cũng đề nghị cho biết, thành phố cần phải làm gì để vực dậy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Hồng cho biết, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp cần phối hợp được 3 yếu tố gồm vai trò của nhà nước, vai trò của doanh nghiệp và vai trò của hiệp hội doanh nghiệp. "Ba vai trò này mà phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhau sẽ có tác động tích cực giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn, vực dậy sản xuất, kinh doanh", bà Hồng nói.

Vị phó chủ tịch thành phố cho biết, trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố cùng với Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cuộc họp và trao đổi để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong đó tập trung đến miễn, giảm và giãn thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể, thành phố đã miễn, giảm và giãn thuế số tiền 4.669 tỷ đồng.

Bà Hồng cũng đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể hơn những văn bản chỉ đạo của Chính phủ đối với lĩnh vực ngân hàng như việc cơ cấu nợ, gia hạn nợ... và đã được đồng ý. "Cuối tháng 7 này, Thống đốc sẽ vào TP HCM để làm rõ những vấn đề này", bà Hồng khẳng định.

Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng, không ai khác để ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh hơn là bản thân các doanh nghiệp. "Vì nếu chúng ta đầu tư dàn trải, không có định hướng, không đầy đủ thông tin, không phát hiện được định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp thì khó mà vượt qua được khó khăn", bà Hồng nói.

Theo bà, Hiệp hội doanh nghiệp chính là cầu nối giữa nhà nước với doanh nghiệp, có nhiệm vụ định hướng thông tin và kết nối các doanh nghiệp lại với nhau.

Ngoài ra, bà Hồng cũng đưa ra một giải pháp cứu doanh nghiệp hiện nay là tổ chức hội nghị kết nối giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp. Qua hội nghị này, các ngân hàng thương mại sẽ tự giới thiệu về mình, giới thiệu về điều kiện cho vay, lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ... "Chắc chắn doanh nghiệp sẽ tìm được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh", bà nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét