Hàng loạt các quyết định đầy bất ngờ trong điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng nhà nước đã được đưa ra bên cạnh những rủi ro cho hệ thống và thị trường luôn tiềm ẩn.
Bài liên quan : << Ngân hàng Habubank Xóa Nợ Thành Công>>
Mở van tín dụng
Ngay trong những ngày đầu quý II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng trong thời gian tới, trong đó nổi bật là việc hạ lãi suất chủ chốt, cho phép các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và đưa nhiều nhóm đối tượng vay vốn ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích cho vay.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, lãi suất chủ chốt tiếp tục được điều chỉnh hạ 1% và đây là lần thứ hai trong năm nay NHNN điều chỉnh hạ lãi suất. Cụ thể, kể từ ngày 11/4, lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 13% từ 14%, lãi suất tái chiết khấu xuống 11% từ 12%, trần lãi suất huy động xuống 12% từ 13%, lãi suất trên thị trường OMO giảm xuống từ 13% xuống 12%, lãi suất tín phiếu cũng giảm 1,25% so với trước đó, từ 11,5%, 12% và 12,5%, tương ứng với kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày, xuống còn 10,25%, 10,75% và 11,25%/năm. Việc hạ mạnh hàng loạt lãi suất chủ chốt trong chưa đầy một tháng kỳ vọng lãi suất cho vay sớm hạ nhiệt trong thời gian tới.
Về hoạt động tín dụng, nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất – kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa theo quy định của NHNN… một mặt, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hoá; tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ. Mặt khác, vẫn kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích không vượt quá 16 % tổng dư nợ cho vay, nhưng NHNN đã mở rộng đối tượng cho vay đối với 3 lĩnh vực không khuyến khích. Cụ thể:
Đối với lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, mở rộng đối tượng cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần.
Đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, mở rộng đối tượng cho vay đối với người có nhu cầu vốn: xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê; xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị.
Đối với vay tiêu dùng, mở rộng cho vay đối với người có nhu cầu vốn: xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở; mua phương tiện đi lại; mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập và chữa bệnh trong nước.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Rủi ro trước tiên phải kể đến là tình trạng nợ xấu của hệ thống TCTD đang có xu hướng trầm trọng thêm. Đến cuối tháng 10/2011, nợ xấu toàn hệ thống là 85.300 tỷ đồng, tăng 35.500 tỷ đồng so với cuối năm 2010 và chiếm 3,39% tổng dư nợ nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình nợ xấu còn lớn hơn rất nhiều khi hàng loạt các công ty bị phá sản, đồng thời các ngành, nghề liên quan đến BĐS (xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng…) không thể tiêu thụ được hàng hóa dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng tồn kho và lẽ đương nhiên những doanh nghiệp này không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng hạn. Theo Thống đốc NHNN, tỷ lệ nợ xấu hiện tại ước khoảng 3,6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, số liệu nợ xấu nêu trên vẫn chưa phản ánh đúng thực chất rủi ro tín dụng của các TCTD do tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay còn bất cập và TCTD thường không phân loại nợ đúng theo quy định của NHNN. Hơn nữa, chế độ kế toán được các TCTD sử dụng theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nếu thực hiện theo hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế thì nợ xấu của Việt Nam có thể cao gấp 4 lần con số nêu trên.
Rủi ro thứ hai phải kể đến là mức độ tập trung tín dụng rất lớn vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh rủi ro và không có hiệu quả cao như BĐS, doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế. Đến cuối tháng 9/2011, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS là 203.600 tỷ đồng, tương đương 8,15% tổng dư nợ tín dụng. Tổng dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS (bao gồm cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS + tín dụng được bảo đảm bằng bất động sản + đầu tư trái phiếu liên quan BĐS) là 1.430.411 tỷ đồng, chiếm 57,27% tổng dư nợ tín dụng. NHNN kỳ vọng, nếu mở van tín dụng lĩnh vực này không chỉ giúp các dự án nhà ở bán được mà còn giúp giải phóng hàng tồn kho của các lĩnh vực khác như sắt thép, xi măng và tạo công ăn việc làm, tạo sự luân chuyển nguồn vốn trong nền kinh tế; đồng thời nợ xấu của ngân hàng cũng giảm.
Thứ ba, hệ thống doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, tài chính kém lành mạnh. Theo báo cáo tài chính của 2.878 doanh nghiệp thuộc 20 ngành kinh tế được Trung tâm Thông tin tín dụng (NHNN) xếp hạng doanh nghiệp, hệ số nợ so vốn chủ sở hữu bình quân năm 2010 là 164,6%, trong đó chỉ có 2 ngành có hệ số nợ 60%, 13 ngành có hệ số nợ từ trên 100% đến 200% và 5 ngành có hệ số nợ trên 200%. Việc NHNN yêu cầu các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn; tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ có khả năng dẫn tới tình trạng nợ xấu tiếp tục gia tăng vì theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD thì:
i) Toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một TCTD phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. Đối với khách hàng có từ 2 khoản nợ trở lên tại TCTD mà có bất cứ một khoản nợ nào bị phân loại vào nhóm có rủi ro cao hơn các khoản nợ khác, TCTD phải phân loại lại các khoản nợ còn lại của khách hàng vào nhóm có rủi ro cao nhất đó;
ii) TCTD phải chủ động phân loại các khoản nợ được phân loại vào các nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo đánh giá của TCTD khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây: có những diễn biến bất lợi tác động tiêu cực đến môi trường, lĩnh vực kinh doanh của khách hàng; Các khoản nợ của khách hàng bị các TCTD khác phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn; Các chỉ tiêu tài chính của khách hàng (về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ trên vốn và dòng tiền) hoặc khả năng trả nợ của KH bị suy giảm liên tục hoặc có biến động lớn theo chiều hướng suy giảm... Hiện tại, nhiều TCTD vẫn chưa xây dựng được Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ mang tính định lượng và định tính nên việc phân loại nợ vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Thứ tư, mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam thấp và dễ đổ vỡ trước các tác động bất lợi và đột ngột từ môi trường kinh doanh do: i) Chất lượng tài sản thấp, nợ xấu lớn và đang có xu hướn tăng nhanh như đã nêu trên; ii) Hệ số an toàn vốn của các TCTD vẫn thấp (đạt 11,92% tính đến tháng 10/2011), chưa tuân thủ đầy đủ chuẩn mực quốc tế (Basel I) và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Cuối cùng, mặc dù chưa thể lượng hóa được cụ thể nhưng những rủi ro tiềm ẩn trong việc lạm phát có thể tăng trở lại là hoàn toàn có khả năng. Sở dĩ lạm phát có thể gìm lại được trong quý I là do giá lương thực, thực phẩm đã chững lại, thậm chí giá nhiều mặt hàng thậm chí còn giảm so với cuối năm 2011. Việc cởi trói gần như toàn bộ lĩnh vực BĐS, giá cả trong lĩnh vực này có khả năng tăng mạnh sau một thời gian dài bị kìm hãm và nếu không quản lý thị trường tốt thì viễn cảnh năm 2009 tiếp tục tái hiện và mục tiêu kiềm chế lạm phát được Chính phủ bấy lâu nay xây dựng có thể sẽ tan biến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét